SATELLITE IMAGES

Liên kết Website

Hội nghị toàn thể lần thứ 22 Diễn đàn chủ tàu Châu Á vừa được tổ chức tại Mumbai, Ấn Độ từ ngày 20-22/5/2013. Đoàn đại biểu của Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam (VSA), đã tham dự Hội nghị như thường lệ.

       Trong khuôn khổ Chương trình nghị sự của Hội nghị trên, Uỷ ban nghiên cứu kinh tế Vận tải biển (SERC) thuộc Diễn đàn Chủ tàu Châu Á (ASF) đã tổ chức cuộc họp vào ngày 21/ 5/2013 và thông qua các nội dung chính về tình hình, triển vọng và thách thức của ngành vận tải biển như sau:

Kinh tế thế giới

Kinh tế toàn cầu đã tránh được một số nguy cơ lớn và đang trong tiến trình hồi phục dần dần với mức độ khác nhau tùy thuộc vào từng quốc gia và khu vực. Trong bối cảnh đó, các đại biểu SERC tái khẳng định tầm quan trọng của việc đưa ra các quyết định của các công ty vận tải biển dựa trên độ tin cậy, việc công khai các số liệu kinh tế và hành động thực tế hợp lý phù hợp với pháp luật cạnh tranh hiện hành và các quy định liên quan. Các đại biểu cũng dự báo về bối cảnh bất ổn, những thách thức ở phía trước và sự cần thiết của việc tiếp tục duy trì vai trò quan trọng của các chủ tàu châu Á trong việc cung cấp dịch vụ vận tải biển cho thị trường quốc tế.

Vận tải tàu dầu và tàu hàng khô:

Tàu hàng khô: Các đại biểu đề nhận định tất cả các phân khúc của thị trường tàu khô sẽ tiếp tục khó khăn trong vòng 2 năm tới do sự phát triển đội tàu ồ ạt trong khi nhu cầu vận tải chỉ tăng nhẹ ở mức một con số. Tuy nhiên, một số chủ tàu vẫn tiếp tục đóng tàu do giá tàu đang thấp. Ngoài ra, việc nới lỏng tiền tệ trên toàn thế giới có thể dẫn đến hành vi đầu cơ trong điều kiện dư thừa tiền mặt cũng là một điểm đáng chú ý trong thời điểm hiện nay. Thị trường hiện tại vẫn rất khó khăn, cung vẫn vượt cầu. Nhìn chung triển vọng thị trường vẫn bất ổn.

Theo như biểu đồ dưới đây về tốc độ phát triểu của đội tàu hàng khô, dự kiến năm 2013, tổng trọng tải đội tàu hàng khô đạt 702 triệu tấn, tăng gần gấp đôi so với năm 2006 (369 triệu tấn). 

 

Theo dự báo tại biểu đồ trên, dự kiến trong năm 2013 và 2014, đội tàu hàng khô sẽ tăng trưởng khoảng 3,3% trong khi lượng hàng hóa trên thị trường tăng khoảng 4,6%. Nếu nguồn cung hàng hóa duy trì được mức tăng trưởng như dự báo thì cán cân cung – cầu về tàu trên thị trường sẽ dần được cải thiện.

Tàu dầu: Phân khúc tàu VLCC vẫn bế tắc tại đáy của thị trường do các tàu đóng mới vẫn ồ ạt tham gia thị trường trong khi lượng tàu cũ được đưa vào phá dỡ rất ít ỏi, bất chấp nhu cầu chỉ tạm thời gia tăng trong một thời gian ngắn hồi mùa thu năm 2012. Một số đại biểu cũng cho rằng thị trường sẽ khó có thể phục hồi trước năm 2014 do nhu cầu về tàu dầu trong năm 2013 sẽ tiếp tục ở mức thấp hơn dự kiến dựa trên những dự báo về sự sút giảm nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng về tấn trọng tải tàu dầu trên thị trường hiện đang giảm dần.

Vận tải chuyên tuyến:

* Hội nghị ghi nhận sự phục hồi của một số tuyến xuyên Thái Bình Dương do kết quả của thỏa thuận chia sẻ tàu và điều chỉnh mô hình dịch vụ để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tế. Tuy nhiên,  thị trường tàu container vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn để hồi phục, cùng với rủi ro lớn hơn so với năm 2011, là năm mà tổng số lỗ từ hoạt động vận tải của hãng tàu tới hơn 6 tỷ USD.

* Trong bối cảnh đó, với các tuyến xuyên Thái Bình Dương, các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải nâng cao nhận thức của các chủ hàng về sự cần thiết phải khôi phục mức cước, bù đắp các chi phí khai thác đang tăng cao để duy trì chất lượng dịch vụ cao và liên tục.

* Đối với các tuyến nội Á, sự ra đời ngày một nhiều hơn của các Hiệp định Thương mại tự do và sự gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giúp thị trường tiếp tục tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng hàng hóa vận chuyển bằng container tương đối nhanh, năm 2012 tăng khoảng 5% so với năm 2011 và dự báo năm 2013 cũng ở mức tương tự.

Về miễn trừ việc áp dụng luật chống độc quyền

Cuộc họp đã thảo luận về các tiến bộ tại một số nước Châu Á và các cơ quan hành pháp khác. Các đại biểu cũng khẳng định quan điểm lâu dài của ASF trong việc coi hệ thống miễn trừ luật chống độc quyền nhằm đạt được các thỏa thuận hợp tác thương mại và khai thác là cực kỳ cần thiết cho ngành vận tải biển và các hoạt động giao thương.

Về phí qua kênh Panama/Suez

* Các đại biểu chia sẻ quan ngại về việc tăng phí qua kênh Panama đơn phương, thường xuyên với mức tăng cao trong bối cảnh ngành vận tải biển đang gặp rất nhiều khó khăn. Các đại biểu SERC nhất trí rằng ASF, phối hợp với các tổ chức hàng hải quốc tế như ICS và các hiệp hội thành viên của ASF, thông qua chính phủ của họ, đề nghị Chính quyền kênh Panama (Panama Canal Authority - ACP) xem xét lại mức tăng phí dự kiến ​​vào tháng 10.2013 khi mà thị trường vận tải biển đang khó khăn trầm trọng.

* Hội nghị ghi nhận việc từ tháng 12/2012, ACP đã tổ chức hàng loạt cuộc đối thoại với ngành vận tải biển về cơ cấu mức phí mới đối với từng cỡ tàu để áp dụng sau khi kế hoạch mở rộng kênh Panama hoàn tất. Do đó, các đại biểu khẳng định rằng, cần tiếp tục yêu cầu ACP xây dựng một cơ chế thu phí mới dựa trên việc xem xét các ý kiến của ngành vận tải biển và đảm bảo quyền lợi của khách hàng.

     * Các đại biểu cũng cực kỳ lo ngại về việc tăng phí qua kênh Suez được áp dụng từ ngày 01/5/2013 mà không tham vấn trước ngành vận tải biển. Hội nghị nhất trí về việc kiên trì thuyết phục Chính quyền Kênh Suez (Suez Canal Authority - SCA) thiết lập cơ chế đối thoại thường xuyên đối với khách hàng để tăng cường hiểu biết lẫn nhau.

Các vấn đề khác:

Các thành viên cũng lưu ý đến sự thay đổi chính sách liên quan đến việc đánh thuế thu nhập vận tải biển theo các Hiệp ước thuế song phương ở một số quốc gia.

---------------------------------------------------------------------------------------------Uỷ ban nghiên cứu Kinh tế vận tải biển (SERC) thuộc Hiệp hội chủ tàu Châu Á (ASF) là một diễn đàn dành cho lãnh đạo cấp cao của các công ty vận tải biển châu Á. SERC thảo luận, xem xét các thông tin và dữ liệu trongthương mại và kinh tếvĩ mô. Mục tiêu của SERClà tăng cường nhận thức về các xu thế kinh tế chung và các dữ liệu liên quan đến vận tải biển, nâng cao hiểu biết cho lãnh đạo cấp cao của các công ty vận tải biển về các dữ liệu đó. SERC không thảo luận các thông tin về quyền sở hữu và các vấn đề cạnh tranh cụ thể. SERC cho rằng, việc tăng cường xem xét và đánh giá các vấn đề kinh tế vĩ mô, lưu lượng hàng hóa, năng lực vận tải… sẽ giúpnâng caochất lượng chocác quyết định điều hành.